Eighty-Six là series LN tạo được tiếng vang khá lớn tại Nhật và Quốc Tế, nhưng chắc cũng không được nhắc nhiều như mấy bộ LN isekai hiện nay như Mushoku hay Re:0. Có người bảo với mình rằng Eighty-Six đã chơi một ván cờ rất lớn khi dám đi vào con đường đang dần xói mòn này vì nó viết về chiến tranh – mecha – chính trị. Combo thể loại này chục năm trước còn nổi, chứ bây giờ thì gần như ai cũng né viết hay làm anime về nó cả vì rất khó khai thác thứ gì mới mẻ hơn, cũng như thời bình này thì không hẳn cần những bộ phim anti-war như chúng nữa.
Tháng tư này là anime chiếu rồi All hail Sawano nên mình nghĩ có lẽ nên viết một bài review cho cuốn Light Novel nhưng chẳng hề nhẹ này. Đây cũng là một series đủ giải trí, dễ đọc và có tí romance cho những ai muốn đọc một tác phẩm chỉn chu khắc họa “dystopia”.
Trong cái thời đại mà tên truyện càng ngày càng dài, càng dài càng sốc như là “hôm nay sư tôn của ta đổ lệ còn ta chỉ biết ngồi trồng hoa” hay “cô vợ nhỏ phản diện xuyên không muốn làm nữ tu thay vì cưới hoàng tử” tên tự chế thôi các bạn đừng search thật-, thì hai chữ Eighty-Six, hoặc là vỏn vẹn hai con số 86 thôi, lại tạo ra ấn tượng mạnh cho mình. Ai cũng hiểu cụm từ này nghĩa là gì, nhưng lại không hiểu rốt cuộc nó mang ý nghĩa gì cho tới khi lật ra những trang đầu tiên.
Quận 86 – một quận không được xem là “tồn tại” trong Cộng Hòa San Magnolia bao gồm 85 quận kia. Tại nơi đây có những con người da vàng da đen với những mái tóc màu mắt khác nhau không hề được xem như những con người thật sự. Chiến tranh nổ ra căng thẳng giữa hai bên Cộng Hòa và Đế Quốc, những người lính tại quận 86 đổ máu bảo vệ những người dân Alba trong bức tường thành Grand Mur. Chiến thắng liên tục được đăng tải trên truyền thông tỏ rõ sức mạnh của Cộng Hòa.
“Ngày hôm nay, trên chiến trường lại không có một thương vong nào.”
Những người dân Alba da trắng tóc bạc vỗ tay hoan hô, reo hò vui mừng trong hòa bình.
Tất cả là dối trá.
Vươn tay nhưng vẫn không chạm tới
Eighty-Six đặc tả một khung cảnh khói lửa tràn đầy chết chóc, nơi đây không có nhân nhượng, bởi kẻ mà những người lính 86 bị vứt bỏ kia phải chiến đấu còn không phải là con người. Những cỗ máy không người lái của Legion là ác quỷ không trái tim, không cảm xúc, chúng xé xác những người bị buộc phải chia ly khỏi gia đình, bị buộc phải ra chiến trường từ khi còn rất nhỏ. Người chết như rạ, tới lúc chết thì thứ họ nói chỉ còn vài chữ “Tôi không muốn chết”. Các cuộc chiến xảy ra liên tục tới mức gần như không có khoảng nghỉ, những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi là khi họ có thể vây quần với nhau chê đồ ăn, chê những kẻ chỉ huy, bàn chút chuyện tình cảm, song lại không ai dám nói về tương lai.
Thế giới đầy máu và khói lửa, nhưng đôi lúc lại có những cảnh tả khiến cho mình trầm trồ vì sắc đẹp của chúng. Là khi những cỗ máy trên không có hình dáng như bươm bướm vỗ cánh mang màu xanh lưu ly, là khi tiểu đoàn dừng chân trong một nhà thờ có nắng xuyên qua cửa kính ngũ sắc. Những cảnh thiên nhiên hoang dã đẹp đến nao lòng chỉ có thể thấy khi họ thoát khỏi con người.
Nếu người ta bị đẩy khỏi đường phố, leo lắt nơi chiến trường và nhìn thấy những cảnh tượng thế này.
Họ sẽ thấy thế giới này thật đẹp biết bao.
Không cần đến nhân loại, thế giới vẫn luôn yên tĩnh và đẹp đẽ.
Không có nơi nào trên thế giới này cần nhân loại. Ngay từ đầu, thế giới này đã không cần con người.
Sư phân biệt chủng tộc bị phơi bày một cách tàn nhẫn trong truyện, tới mức mà những người có kiến thức cơ bản nhất về Châu Âu và Thế Chiến thứ hai cũng có thể nhận ra cảm hứng cho bối cảnh này được lấy từ đâu. Dù cho thế giới này không có một Hitler mở chế độ độc tài, thì những thứ mà Cộng Hòa San Magnolia đang làm cũng không khác gì cuộc diệt chủng Holocaust của Đức quốc xã. Ngoài Alba, không có chủng tộc nào được coi là con người tại nơi này.
Những người 86 được xem là “lợn”, tức là những điều mà Cộng Hòa đang làm với họ, bắt họ vào quân sự, bắt họ chiến đấu, bắt họ chết với lời hứa rằng chỉ cần ở trong quân đội một thời gian nhất định thì có thể trở về “nhà”, sẽ chỉ là những điều họ làm với súc vật mà thôi. Súc vật có quyền hạn gì ở thế giới này? Chúng chí có quyền trở thành vật thí nghiệm, trở thành trò tiêu khiển, trở thành vật hy sinh. Bọn họ còn không có quyền được khắc tên lên bia mộ, quyền được lưu lại trong sử sách sau khi hy sinh. Tất cả những điều này tưởng như bất nhân tính tới mức hoang đường, nhưng đáng tiếc, đây chính là quá khứ của thực tại chúng ta đang sống.
86, vỏn vẹn hai chữ số, nhưng bao hàm sự bất công, bất nhân, tàn nhẫn của con người đối với con người.
Eighty-Six, một series về chiến tranh quân sự nhưng thứ nó khắc họa nhiều nhất. lại là con người.
Tập 1 của series có thể đọc như một one-shot vì nó có mở, có cao trào, có kết thúc rõ ràng cho cả hai nhân vật chính Shin và Lena. Và cũng chỉ riêng tập 1 đó đã có thể đem lại cho mình rất nhiều cảm xúc về con người, về chiến tranh, về nỗi ám ảnh tội lỗi. Mô típ boy-meets-girl bình thường lại trở thành một điều gì đó ý nghĩa hơn rất nhiều đối với Shin và Lena. Một cô gái Alba trẻ tuổi cao quý chỉ vừa bước vào quân đội làm người chỉ huy, một chàng trai 86 thuộc hoàng tộc đã diệt vong nhưng đã ở chiến trường hơn 9 năm liền. Hai con người, hai chủng tộc, hai hoàn cảnh và vai vế khác biệt hoàn toàn. Bọn họ chưa một lần gặp mặt nhau trong cả tập một, nhưng bằng chiến tranh và mệnh lệnh, họ lại dần tìm hiểu nhau và tin tưởng nhau. Trời ơi cái sự thay đổi trong tông giọng của Shin, mềm mại dần đều đối với Lena dù chưa từng gặp mặt, huhuhu.
“Nếu có một ngày cô có thể đuổi tới chúng tôi, thì cô sẽ dâng tặng hoa cho chúng tôi chứ?”
Câu nói cuối cùng Shin dành cho Lena trước khi bắt đầu cuộc chiến cảm tử, là một câu nhẹ nhàng mang chút buồn bã, cứ như có thể thấy được kết cục đã định của tiểu đoàn Spearhead ấy là những ngôi mộ cùng vòng hoa tang.
Điều mình thích nhất của truyện chính là sự “chậm rãi” trong việc phát triển nhân vật và đào sâu vào tâm lý con người, đặc biệt là Lena và Shin. Lena còn trẻ, còn ngây thơ, cô muốn thay đổi chế độ của Cộng Hòa đối với người dân 86, vậy nên cô sẵn sàng cãi lệnh cấp trên. Cô không hiểu gì về chính trị và những thứ mà bên trên cần làm đối với 86, cô chỉ biết hành động này là bất nhân. Cô trở nên thân thiện với 86, quan tâm họ, nghiêm túc trong công việc chỉ huy tiểu đội của mình, hy vọng họ sống sót. Lena là một cô gái tốt, nhưng thứ tác giả muốn viết không phải là chuyện người dịu dàng tốt bụng đi cảm hóa người bị cuộc đời ruồng bỏ. Hơn thế, thứ tác giả muốn nhấn mạnh là sự vô tâm vô thức của con người, và tiềm thức con người có thể bị môi trường ảnh hưởng tới mức nào.
“Cô chưa từng gọi chúng tôi là 86? Cô chỉ làm có nhiêu đó thôi! Bảo vệ liên bang là công việc của người dân? Đáp lại cảm xúc đó? Nhảm nhí! Cô nghĩ chúng tôi chiến đấu ở đây là vì chúng tôi muốn? Chính mấy người đã nhốt chúng tôi ở đây! Mấy người ép chúng tôi chiến đấu! Để hàng triệu người chúng tôi phải chết trong suốt 9 năm qua, không phải hả!? Cô chẳng làm cái quái gì để ngăn những chuyện đó xảy ra, nhưng cô lại nghĩ chỉ cần nói chuyện thân thiện mỗi đêm là đủ để khiến mọi chuyện tốt hơn!? Ngay từ đầu….
CÔ CŨNG CHƯA TỪNG HỎI TÊN CHÚNG TÔI!”
Mình tin sự tốt bụng của Lena là thật, và lý tưởng về một thế giới công bằng cho 86 cũng là sự thật. Nhưng Lena vẫn là một người Alba được sinh ra trong môi trường đã rỉ tai cô rằng 86 chỉ là những con súc vật. Dù chưa từng nghĩ họ như vậy, nhưng Lena đã vô thức, không xem họ như con người. Không phải chỉ cần tốt bụng là đủ để thay đổi, không phải chỉ cần cố gắng là có thể thay đổi tất cả những thứ đã được tiêm nhiễm trong não một người. Suốt nửa tập 1 sau đó là quá trình Lena sợ hãi, hoang mang về bản thân, băn khoăn mình thật sự xem 86 là con người hay không. Từng bước một, cô hỏi tên bọn họ, không ép buộc họ, biết cách tôn trọng quyền quyết định của từng người bọn họ.
Shin từng là một người hạnh phúc với gia đình cho đến khi cả gia đình họ bị cho vào quân đội. Từ cha tới mẹ, tới anh của cậu, đều chiến đấu với hy vọng rằng họ chiến đấu để giúp người thân không cần bị thành lính. Cha mẹ chết, nhưng anh em của cậu vẫn bị ép vào quân đội, trải qua một vòng lặp vận mệnh chẳng thể nào thay đổi. Shin là người duy nhất còn sống, lang thang trên chiến trường với biệt danh “Kẻ đào mộ”, chỉ vì cậu luôn là người đảm nhiệm công việc khó khăn nhất: giết chết những người lính hấp hối trong các cỗ máy, để cho phe Đế Quốc không thể lợi dụng họ. Cây súng lục giết đồng đội, cỗ máy như xương người nhún nhảy trong màn đêm mang lại cái chết, cùng những miếng sắt khắc tên đồng đội cậu thu thập từ cỗ máy bị hủy hoại.
Nếu so với Lena trong tập 1 thì phát triển của Shin có vẻ lép vế hơn khi những mảnh vỡ quá khứ của cậu bị trải đều xuyên suốt, có lúc thì dưới cái nhìn của cậu, lúc thì dưới cái nhìn của anh cậu. Mối quan hệ giữa cậu và anh cậu, vết sẹo trên cổ và năng lực nghe thấy tiếng “ai oán” của những con ma không được siêu thoát trên chiến trường, tất cả đều là những bí ẩn lớn được giải mã ở cuối tập. Khi mọi chuyện kết thúc, thứ mình cảm thấy chỉ còn là một Shin đã hoàn thành được mục tiêu cuối cùng của mình, khác hẳn cảm giác bồi hồi khi nhìn Lena trưởng thành và hiểu được vai trò của mình tại Cộng Hòa.
Tới khi đọc tập 2 và 3, Shin mới được miêu tả nội tâm rõ ràng. Vấn đề của cậu được đào sâu còn hơn cả mình mong đợi, mà nỗi mâu thuẫn nội tâm ấy lại là vấn đề của nhiều binh lính trở về sau chiến tranh. Tới những tập này, khi mà các 86 được một nước khác cứu về, được cho một cơ hội sống như những người bình thường, thì ý nghĩa khác của cụm “86” lại được bộc lộ.
Cái tên 86 không chỉ là sự bất công, nó còn là niềm kiêu hãnh đối với bọn họ, những người không biết gì khác ngoài chiến đấu.
Tức giận vì bị đàn áp, gánh chịu sự bất công, song 9 năm trên chiến trường đã vùi đắp cho họ niềm kiêu hãnh khi được chiến đấu. Họ cho rằng ý nghĩa bản thân là chiến đấu mà không còn gì khác.
Đáng cảm phục, mà cũng đáng buồn.
“Có ba thứ làm nên một con người: quê hương họ sinh ra, dòng máu chảy trong huyết mạch, và mối liên kết của họ với người khác. Nếu cậu không có bất kì thứ nào và cố gắng giữ lại linh hồn chỉ bằng niềm kiêu hãnh, thì cậu sẽ có ngày bị mất đi bản thân và tan thành hư vô…Hãy khắc ghi lời ta nói đấy.”
Truyện cũng không muốn mình phải cảm phục niềm kiêu hãnh đó của họ. Một lần nữa, truyện lại muốn mình phải cảm nhận sự vô tâm của con người, ý nghĩa của việc làm người. Liên bang cũng giống như Lena, thương hại họ, cho họ chút lòng tốt, mong họ được sống như con người nhưng lại không ngờ rằng mình đang tước đi niềm kiêu hãnh và quên mất phải tôn trọng quyết định của họ.
“Loài người dù đối mặt đồng loại, đôi khi cũng không coi con người kia là người, mà lại coi như một nhân vật trong văn chương hay vở kịch, biến thành đối tượng để dùng đến lòng thương hại hoặc chính nghĩa.“
Chuyện biến nỗi đau người khác thành đối tượng cho lòng thương hại, nếu nói đó là ác ý thì cũng khó, nói nó sai cũng không hẳn, chỉ là, lòng nhân từ và tính thiện của con người sẽ khiến họ cảm thấy muốn bênh vực những người bị yếu thế. Chuyện này vẫn xảy ra hằng ngày và đôi lúc dẫn đến sự cực đoạn, chẳng hạn như chuyện phòng chống kỳ thị chủng tộc khiến cho nhiều nguời phản ứng quá đà với cả việc các họa sĩ tô màu da nhân vật “không đen bằng bản gốc”, nhưng số người phản ứng đó đa phần lại là da trắng đang thể hiện chính nghĩa của mình, chứ ít khi là những người da đen đang đòi quyền lợi thực sự.
Sau đấy, truyện lại muốn mình cảm giác được nỗi sợ hãi của những người lính phải rời chiến trường song chẳng biết mình thuộc về đâu. Điều này còn nặng nề với Shin hơn do gánh nặng tội lỗi của mình.
Là một kẻ đào mộ, cậu luôn là người chết sau cùng.
Cậu luôn là người bị bỏ lại.
Cậu muốn chết cùng anh, anh cậu lại bảo vệ cậu. Cậu muốn chết, nhưng lại không thể đứng yên để tự sát. Cậu muốn chết để trả lại mọi tội lỗi cậu nghĩ mình đáng phải nhận như anh mình từng bảo, nhưng cậu lại không thể.
Cậu sợ.
Hành động điên cuồng khi đánh nhau, không màng sống chết lại chưa từng là hành động tự sát thật sự, mà là hành động sinh ra từ sợ hãi, không dám chấp nhận bản thân đang chiến đấu chỉ vì sống còn. Mất đi mục tiêu giúp anh mình yên nghĩ, cậu tự hỏi mình đang chiến đấu vì cái gì.
“Nếu thế…”
Shin lên tiếng, giọng nói đầy đau khổ.
“Nếu thế, thì để làm gì? Tôi sống vì cái gì?”
Hết lớp nội tâm này tới lớp nội tâm khác của Shin được bóc ra. Đó là sự hoang mang, sự ám ảnh tội lỗi, sự sợ hãi cái chết đánh vật với cảm giác muốn chết.
Shin rốt cuộc vẫn chỉ là một cậu nhóc 18 mà thôi.
Cậu ước gì anh cậu giết chết cậu đi, ước gì Kiriya giết chết cậu đi, ước gì mình biến thành một con cừu đen chỉ còn biết đánh giết, để không còn cảm thấy những xúc cảm phức tạp này nữa.
Một tiếng gì đó như tiếng gầm gừ khe khẽ của dã thú, nghe như đang than khóc, thoát khỏi môi cậu. Cậu dùng tay che lại mắt, cảm giác như có thứ gì nóng bỏng đang dồn nén sau đôi mi. Nhưng không có gì chảy ra cả…Thần chết. Cậu chưa từng ghét cái biệt danh ấy. Cậu sẽ gánh tất cả kí ức của đồng đội đã ra đi, và cậu chẳng bao giờ hối hận khi đã hứa rằng sẽ mang họ đi cùng mình.
Nhưng tại sao….?Tại sao mọi người lại bỏ mình mà đi? Tại sao bọn họ bỏ mình một mình? Tại sao…ai cũng…biến mất…dễ dàng…như vậy?
Cậu nghĩ mình có thể nghe thấy tiếng ai đó đang thét lên, cầu xin ai đó đừng bỏ mình lại. Và nếu cậu chỉ có thể nói những điều ấy với bản thân…liệu sẽ có ai, một ai, chịu ở lại bên cạnh cậu?
Khụ khụ màn tái ngộ của cậu và Lena khá là vui, ngay lúc nhóc Shin đang khóc thì cô nàng xuất hiện, làm nhóc không dám nói tên khi nghe cô bảo rằng cô đang theo đuổi lý tưởng của một người. Shin vẫn là một cậu nhóc đơn giản, muốn mình phải ra dáng người mà cô nàng đang tưởng tượng =))))
Eighty-Six, câu chuyện về một thế giới tương lai tàn khốc nhưng không có bất kì quái vật, zombie hay dịch bệnh nào ở đây cả. Ở thế giới của 86 chỉ có con người và lòng dạ của họ, cùng những cỗ máy được con người tạo ra để đem lại nỗi đau, cũng là để bảo vệ quê hương, đồng bào, niềm tin. Các nước liên minh với nhau chống lại một kẻ thù chung, nhưng rốt cuộc mục tiêu của Đế Quốc là gì? Câu chuyện vẫn còn rất dài, Shin lẫn Lena, cùng nhiều những nhân vật khác sẽ phải vượt qua mâu thuẫn của bản thân và hướng về mục tiêu ngăn chặn chiến tranh.
Tranh vẽ của novel rất đẹp, lâu rồi mình mới thấy design hợp gu như vậy, ngay cả mecha cũng được vẽ rất kỹ do designer nổi tiếng của các bộ như Aldnoah.zero, Code Geass thiết kế. Tuy đôi khi mình không hài lòng khi góc nhìn thay đổi liên tục, nhưng thiết nghĩ trong một bộ về chiến tranh mà lại không kể nhiều góc nhìn thì khó mà mô tả được sự phức tạp của nó về mặt suy nghĩ và chính trị.
Nguồn:
[Light Novel Review] Eighty-Six: Số thương vong trên chiến
trường là “Không” -
https://torianimereview.wordpress.com/2021/03/14/light-novel-review-eighty-six-so-thuong-vong-tren-chien-truong-la-khong/
0 Nhận xét