Theo xu hướng hiện nay, phần lớn công chúng tìm đến những bộ
truyện ngắn ngắn, có tính giải trí cao, thậm chí có hơi hướng não tàn để đọc sau những giờ học tập, làm việc mệt mỏi.
Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận không nhỏ lấy việc đọc những truyện sâu lắng,
giàu triết lí, xoắn não hết sức hàn lâm làm thú vui mỗi ngày.
Mấy hôm trước, tôi muốn thử qua việc có thể kết hợp hai xu
hướng này không, và bộ truyện mà tôi chọn là Dior Tiên Sinh của Lục Dã Thiên Hạc.
Giới thiệu qua một chút: Dior Tiên Sinh là một bộ truyện
hài, đặt trong một bối cảnh thế giới tương lai giả tưởng của những người ở tầng
lớp thượng lưu, vậy nên não hay suy nghĩ logic gì đó đều có thể vứt qua một bên
được rồi. Ở thế giới này, con người có thiết bị trí não thay thế hoàn toàn điện
thoại và các thiết bị thông tin, điện tử khác và được kết nối với nhau theo
nguyên lý Internet of Things (Vạn vật kết nối).
Truyện được đặt ở góc nhìn của hai đại tổng tài cao, phú,
soái dây dưa từ những năm tiểu học đến lúc thành danh lập nghiệp, trở thành phú
nhị đại hàng thật giá thật. Trong một lần tai nạn, Trương Thần Phi – nhân vật
nam chính 1 – bị tác động đến trí não, sinh ra hiện tượng não tự động nhập vào
các kịch bản tiểu thuyết mà anh này xem trước đấy. Từ đó, Tiêu Tê – nhân vật
nam chính 2 – đứng trước nhiều rắc rối rất khó đỡ và phải trổ hết tài năng để
kiểm soát tình hình, giúp đỡ phu quân thoát khỏi một hồi loạn thất bát tao này.
Sau khi đọc thì tôi cảm giác Dior Tiên Sinh có hơi hướng Hệ
thống, Xuyên thư hay Khoái xuyên nhưng nhân vật vẫn chỉ ở thế giới đó. Xét về
góc độ văn học, cốt truyện này có ưu điểm lớn nhất là nó cho người đọc được trải
nghiệm nhiều thế giới khác nhau, nhiều cốt truyện khác nhau lồng trong một truyện
duy nhất. Cái này trong văn chương chính thống được gọi là “truyện lồng trong
truyện” nhưng tất nhiên ở phương diện đam mỹ thì chỉ là một cấp độ hết sức đơn
giản thôi.
Tức là, nguyên tác của chúng ta là hai đại tổng tài muốn gì
có nấy, nhưng khi Trương Thần Phi bắt đầu lên cơn “nhập vai”, anh ta có thể trở
thành Người cá, Mafia hắc đạo, Thủ lĩnh dân quốc cai quản 13 tỉnh Hoa Đông,
Chàng rể bị gán nợ của tổng tài trăm vạn, Ma cà rồng, Nhiếp chính vương … Và điều
đó cũng đòi hỏi Tiêu Tê phải biến hóa cho linh hoạt với hoàn cảnh, vào vai theo
chồng để có thể theo sát và sửa kịch bản rất kịp thời để tránh những tình huống
nguy hiểm.
Qua cách viết này, tôi cảm thấy Lục Dã Thiên Hạc là một tác
giả rất sáng tạo. Mặc dù tình tiết chỉ là motip cũ rích, ví dụ như Tân nương
trăm vạn của tổng tài, ba Tiêu Tê thì truyện nào cũng bị nhầm thành phá sản rồi
gán con đi trả nợ, cái hay ở đây là cách tác giả bóc tách và khai thác triệt để
các vấn đề trong cuộc sống.
Tiêu Tê và Trương Thần Phi đã cưới nhau 7 năm, chính là thất
niên chi dương nếu vượt qua sẽ bách niên giai lão, trọn đời bên nhau. Những tưởng
mọi thứ sẽ bình yên trôi qua trong cuộc sống hối hả, nhưng chỉ đến khi Trương
Thần Phi bị tai nạn gây ảnh hưởng đến chức năng của trí não, Tiêu Tê mới nhận
ra rằng trước đây mình đã vô tình bỏ lỡ quá nhiều thứ.
Trương Thần Phi sẽ vô thức kết hợp các sự kiện có thật với kịch
bản, vì vậy trong lúc nhập vai đã hồn nhiên tiết lộ những thông tin tưởng như bản
thân sẽ phong bế mãi mãi trong kí ức. Sống với nhau lâu dần, mọi thứ cứ nhạt dần
đi, cho đến khi Tiêu Tê nhận ra chồng mình đã ủy khuất quá lâu, giấu mình quá
nhiều.
Tiêu Tê đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, từ phẫn nộ hờn
ghen khi biết mình chỉ là người thay thế cho đến khi xúc động không ngừng khi
nhận ra “bạch nguyệt quang” trong lòng Trương Thần Phi vẫn luôn là mình mà
thôi.
Thêm một lí do nữa mà tôi cộng điểm cho Dior Tiên Sinh chính
là tình yêu của họ đều rất trưởng thành và rất lí trí, giúp họ tìm được cách sử
xự hợp lí. Tiêu Tê không vì chút bông đùa lúc “mất não” của chồng mà nghi ngờ
anh, cũng chưa bao giờ giận quá mất khôn mà luôn nhận ra lỗi sai ở bản thân trước
rồi tự mình tìm hiểu căn nguyên sự tình.
Bởi vậy, khi Trương Thần Phi tỉnh lại sau một hồi gà bay chó
sủa, tự kiểm điểm bản thân, bày ra một bộ dạng chân chó thì Tiêu Tê cũng không
nỡ lòng trách mắng anh. Thay vào đó, hai người đều nói rõ ba mặt một lời, cùng
nhau tìm hiểu, cùng nhau khắc phục. Không như một số motip thường thấy là nếu xảy
ra hiểu lầm như vậy, càng dễ xảy ra ngược tâm rất đau lòng.
Điều này cũng được thấy rất nhiều trong thực tế: khi sống với
nhau trong hôn nhân, tình yêu có thể ít đi, trách nhiệm ngược lại càng nhiều
thêm. Nếu chỉ đòi hỏi tình yêu như lúc hẹn hò mà không có ai đứng ra đảm đương
chính chuyện thì ta sẽ rất nhanh chán nản, đổ lỗi cho nhau. Nhưng nếu trong gia
đình chỉ có tránh nhiệm thì sẽ dần dần sinh ra cảm giác tù túng, nhợt nhạt, cuối
cùng vẫn là chán ghét lẫn nhau.
Mặt khác, chuyện tình cảm không phải lúc nào cũng có thể ba
mặt một lời như cuộc họp ở công ty hay đàm phán thương trường được, mà vẫn phải
lấy cảm xúc làm trọng, dùng cái tâm để dung hòa với nhau. Không thể lúc nào
cũng chỉ hỏi “Em/anh sai ở đâu?” hay “Em/anh nghĩ gì thế?” để làm lá chắn, để
bao biện được mà phải dùng chính trái tim để cảm nhận những nhịp điệu khác nhau
của tâm hồn.
Chính bởi vậy mà từ thế bất lợi (phải chịu đựng người chồng
luôn sẵn sàng rơi vào trạng thái não tàn), Tiêu Tê đã có cơ hội tìm hiểu được
những bí mật đáng yêu của chồng thông qua đám kịch bản dở hơi đó.
Điểm sáng thứ hai của Dior Tiên Sinh là mối quan hệ Bố mẹ và
Con cái, hay chính xác hơn là giữa Lớp trẻ – người già trong xã hội hiện nay. Mỗi
người một hoàn cảnh, ví như Tiêu Tê từ nhỏ đã thiếu vắng hơi ấm của gia đình
nên tìm sự thay thế trên người Trương Thần Phi. Cũng ví như Trương Thần Phi
thương tâm vì sự ra đi của mẹ mà trút hết thù hận lên cha, mãi về sau mới có thể
buông xuống.
Tuy từng thời điểm mà tâm lý của đứa con có thể khác nhau,
nhưng lòng người cha người mẹ vẫn luôn bao dung như thế, luôn tâm niệm lo nghĩ
cho con mình. Càng trưởng thành, người trẻ sẽ càng nhận ra nơi chốn bình yên nhất
là tổ ấm nhỏ bé, có cha, có mẹ, có người đồng sàng cộng chẩm. Chỉ khi mỗi người
dẹp bỏ được cái tôi, cùng nhau nói rõ tâm tình thì mối quan hệ Trẻ – Già này mới
có thể phá vỡ khoảng cách thế hệ để ta đến gần với nhau hơn.
Cuối cùng, quay trở lại với vấn đề văn học, Lục Dã Thiên Hạc
không chỉ xây dựng được một cốt truyện hay mà còn sáng tạo được một dàn nhân vật
cá tính, mang nhiều suy ngẫm. Điểm đáng khen là tuyến nhân vật này đều có móc nối
chặt chẽ, không bị quá nhiều, không bị quá ít mà đều có vai trò riêng trong
truyện, có đất diễn và sức sống riêng. Từ người bác sĩ mà tên lại là Khuyết Đức,
cho đến người trợ lý Dư Viên, người bạn vừa ra tù Cường Tử,… đều góp phần đẩy
diễn biến mạch truyện, không chiếm sân khấu của nhân vật chính mà còn có tác dụng
tôn lên bọn họ, giúp họ nhận ra tình cảm của nhau.
Bởi vậy, có thể tổng kết lại rằng dù Dior Tiên Sinh là một
câu chuyện dài (hơn 100 chương) và thiên về sự giải trí, thì đâu đó trong truyện
vẫn có những chi tiết khiến ta suy ngẫm. Có thể chúng ta chỉ là những người
bình thường không thể hiểu được cảm giác vung tiền, thay xe như thay áo của
nhóm phú nhị đại “nắm huyết mạch kinh tế thế giới” hay câu nói khó đỡ “Trời lạnh
rồi, làm cho Vương thị phá sản đi” của Ba ba Thần Phi.
Nhưng cuối cùng chúng ta đều nhận ra rằng chẳng vì nhiều tiền
mà họ bớt đi âu lo, thêm vài phần hạnh phúc. Họ cũng giống chúng ta, phải giải
quyết các đề bài nan giải của hôn nhân, gia đình, phụ huynh, quan hệ họ hàng,
công việc, xã giao… chỉ là ở một cấp độ khác phức tạp hơn vì mọi thứ đều dính đến
tiền không ít thì nhiều.
Từ đó, có lẽ tác giả Lục Dã Thiên Hạc cũng mong muốn người đọc
đồng cảm với nhau hơn, không vì chút số dư tài khoản mà phán xét rằng ai đó chỉ
khổ đau hoặc sẽ sung sướng đến cuối đời. Qua đó, mỗi người đều sẽ đúc rút ra được
bài học cho bản thân, rằng làm thế nào để gìn giữ và duy trì thật tốt các mối
quan hệ quý giá.
Nguồn: [Review] Dior Tiên sinh – Lục Dã Thiên Hạc - https://madaotosufanpage.wordpress.com/2019/06/23/kich-truyen-thanh-ma-dao-to-su-ky-3/
0 Nhận xét