Có lẽ cái tên
Mochizuki Jun cũng không còn xa lạ gì với người đọc manga ở Việt Nam. Từ trước
khi Kim Đồng xuất bản, thì Pandora Hearts của bà đã làm mưa làm gió ở các trang
truyện, forum online nhờ sự xoắn não của cốt truyện. Sau khi fan của bà đã được
cái kết của bộ truyện này làm tan nát con tim, thì bây giờ bộ tiếp theo của bà,
Vanitas no Carte, cũng không sáng sủa gì mấy khi ngay từ chap đầu tiên, cái kết
bi thảm của Vanitas đã được tiên liệu.
Tóm tắt cốt truyện
Sau trận thảm họa
bí ẩn Babel, một chiều không gian khác đã được mở ra, tạo thành một thế giới
song song khác được phân cách với thế giới thật bằng “biên giới”. Ở thế giới
song song này là xã hội của một chủng loài khác con người – Ma cà rồng. Nóe là
một thiếu niên ma cà rồng “nhà quê”, khi còn chưa kịp bước chân vào thành phố
Paris hoa lệ thì trên chuyến tàu đã vướng vào rắc rối của Vanitas, một con người
mang tên Ma cà rồng Trăng Xanh trong truyền thuyết. Cầm quyển số bí ẩn trên
tay, Vanitas tuyên bố: “Ta sẽ cứu tất cả ma cà rồng!”
Nhận xét chung
Về Nội dung
Khi Vanitas no
Carte (Hồi kí Vanitas) vừa mới được thông báo tháng 12/2015, đã có nhiều fan của
Jun-sensei bày tỏ nỗi lo rằng, cốt truyện về ma cà rồng đã quá phổ biến trong
manga (một vài ví dụ điển hình là Owari no Seraph, Servamp, Vampire Knight…),
cũng như sự thành công của Pandora Hearts sẽ trở thành cái bóng lớn cho
Vanitas. Những yếu tố này có thể sẽ ảnh hưởng tới sự thành bại của Hồi kí
Vanitas trong việc tạo ra nét riêng độc đáo và chỗ đứng của bản thân trong thị
trường.
Nhưng sau đó, khi
bìa chap 1 được công bố và hình ảnh bánh răng được lồng ghép khắp nơi, chúng ta
mới biết được đây là một câu chuyện kết hợp giữa steampunk và viễn tưởng. Chính
sự kết hợp độc đáo và lạ đời này làm cho bộ truyện trở nên có sức hút riêng. Yếu
tố steampunk của bộ truyện được lồng ghép qua sự ra đời của ma cà rồng. Thay vì
sinh ra tự nhiên như chúng ta hay đọc trong truyền thuyết, ma cà rồng trong Hồi
kí Vanitas được sinh ra từ một thảm họa bí ẩn dính dáng đến sự thay đổi trong cấu
trúc hóa học (trong Hồi kí Vanitas, cấu trúc được gọi là “công thức vạn vật”) của
con người (cũng như thay đổi phân tử trong nhiều vật chất khác). Sự pha trộn
Khoa học – Giả tưởng, cùng với bối cảnh nềnlà Pháp, khiến chúng ta có cảm giác
như đang ở trong thời đại Cách Mạng Công Nghiệp của Châu Âu vậy.
Không chỉ mang
không khí khoa học, mà Jun còn khéo léo lồng ghép những “Easter Eggs” nho nhỏ
cho những ai đam mê về công trình kiến trúc, lịch sử, ngôn ngữ, văn học Pháp.
Ví dụ như cái tên De Sade là tên một nhà văn chuyên viết về những tác phẩm dâm
dục, về hành hạ SM, điều này được Jun lồng ghép vào tính cách của Dominique De
Sade bằng cách cho cô là một người thích sưu tầm những vật liên quan đến SM.
Danh từ riêng như Charlatan, hay các mặt nạ mà người tham gia diễu hành
Charlatan đeo trong câu chuyện, đều có liên quan mật thiết tới “bác sĩ giả mạo”,
nói cách khác là “lang băm”, biệt danh mà các nhân vật dùng để gọi Vanitas.
Cho tới thời điểm
hiện tại, nội dung của câu chuyện vẫn xoay quanh hành trình cứu ma cà rồng “bị
nguyền rủa” của Vanitas và Nóe, đơn giản và không có gì là quá khó hiểu với người
đọc. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là câu chuyện không hề kịch tính. Đối với
người viết, những lúc câu chuyện trở nên thú vị là khi chúng ta biết thêm được
một, hai mảnh kí ức của Vanitas và Nóe, hay thậm chí là vài gợi ý về quá khứ của
những nhân vật phụ như Ruthven, Jeanne, Luka. Lúc nào cũng thế, truyện của Jun
luôn chứa đầy những nhân vật toát lên vẻ bí ẩn. Nhưng nếu trong Pandora Hearts,
chúng ta phải mất gần 50 chap để hiểu thêm về nhân vật, thì ở Hồi kí Vanitas
thì chưa đầy 20 chap, người đọc đã có khái niệm bao quát về lý do tại sao
Vanitas và Nóe lại có tính cách và hành động như vậy. Có thể nói là Jun đã thay
đổi style của mình, giải nút bí ẩn quá khứ mỗi người, khiến mạch truyện đi
nhanh, nhưng đồng thời vẫn liên tục đưa ra các bí ẩn khác về các nhân vật còn lại
(Ruthven, Vanitas “Đầu tiên”).
Giờ thì tới “Main
dish” đây, điều mà tớ muốn nói và cũng thấy thú vị nhất về nội dung, chính là
quan niệm về sự cứu rỗi (Ừ thì nó nằm ngay trên cái tựa bài :v). Việc chọn “Sự
cứu rỗi” làm đề tài lại rất phù hợp cho một câu chuyện có nhân vật chính là một
bác sĩ, không phải sao?.
“Sự cứu rỗi” được
nhắc đến đầu tiên ở chap 10, khi Vanitas đã bị tình thế ép buộc phải giết một
“Kẻ bị nguyền rủa”. Lúc đó, Nóe đã hỏi Vanitas, “Rốt cuộc sự cứu rỗi là gì?”. Đối
với một người đơn giản như Nóe, “sự cứu rỗi” chính là cứu ai đó về mặt thể xác,
cứu sinh mạng của họ. Có thể nói chính bản thân Nóe là một người bị ám ảnh về
“sự cứu rỗi” vì những chuyện đã xảy ra với Louis – người bạn thân của mình.
Nóe, bị ám ảnh vì không thể cứu sinh mạng Louis, và đã không thể nào hiểu hết
việc Louis van nài mình giết cậu ta là cách để Louis được cứu rỗi. Khung cảnh
cô bé bị nguyền rủa van nài Vanitas giết mình đã khơi dậy kí ức đau đớn đó, và
khiến Nóe phải tự chất vấn bản thân mình lại, rằng “Giết ai đó, thật sự là cứu
rỗi họ?”
Vanitas, mặt
khác, cũng như Nóe, không biết “sự cứu rỗi” là gì.
Vì thế, Vanitas
đã đáp lại câu hỏi đó, “Ai biết được”.
Và rồi, khi chúng
ta biết được anh của Luka là một “kẻ bị nguyền rủa”, Ruthven lại tiếp tục đưa
ra một phương diện khác của sự cứu rỗi, rằng “Sự cứu rỗi có muôn hình vạn dạng,
được giải thoát khỏi lời nguyền không có nghĩa người đó sẽ hạnh phúc.”
Lại một lần nữa,
sự cứu rỗi về thể xác lại không được cho là một sự cứu rỗi thật sự. “Hạnh phúc”
là cảm xúc, nếu sự cứu rỗi không mang lại hạnh phúc, không khiến tâm hồn họ
thanh thản, thì đó không còn là “sự cứu rỗi” nữa.
Sự đối lập giữa
hai quan niệm về “sự cứu rỗi” chính là nội dung xuyên suốt của câu chuyện, và
cũng là vấn đề làm nảy sinh mâu thuẫn giữa Nóe và Vanitas, nhưng đồng thời cũng
gắn kết họ với nhau, khi Nóe sau này đã tự hỏi liệu người đang muốn cứu rỗi (về
tâm hồn) nhất, có phải là Vanitas?
Về Nhân vật
Trong truyện, có
nhiều mối quan hệ chồng chéo lên nhau, nhưng nếu quy về một mối, thì chúng ta sẽ
có ba loại quan hệ giữa người – ma cà rồng, người – người, ma cà rồng – ma cà rồng.
Dàn nhân vật đông giúp cho Jun có điều kiện thể hiện những mối quan hệ khác
nhau đấy.
Trong những chap
đầu tiên, chúng ta đã thấy được giữa con người và ma cà rồng có mâu thuẫn với
nhau, và hiện đang sống theo kiểu “nước sông không phạm nước giếng.” Vì vậy, một
ma cà rồng Nóe không ngại làm bạn với con người, hay một con người Vanitas muốn
cứu ma cà rồng, lại vô thức xóa nhòa biên giới quan hệ giữa hai chủng loài, tạo
nên những tình huống thú vị và cũng gợi nên câu hỏi: Dù chúng ta khác nhau, thì
điều đó có nghĩa là chúng ta không thể làm bạn với nhau không?
Jun từ trước tới
giờ vẫn giỏi về khoản xây dựng nhân vật có chiều sâu, hay nói cách khác là “khó
dò, khó đoán”. Vanitas ngay từ đầu đã được xây dựng là một người lập dị, phát
ngôn thì chẳng ai hiểu được ý định thật sự của cậu ta, như Nóe mô tả là “một
con người đối lập nhau”. Vanitas yêu người khác, nhưng không muốn người khác
yêu mình; Vanitas muốn lợi dụng người khác để bảo vệ bản thân, nhưng không muốn
kẻ khác tự nguyện bị thương vì mình. Chính cái sự đối lập trong suy nghĩ và
tính cách này làm Vanitas trở nên đặc biệt, và khiến người xem phải tự hỏi, vì
lý do gì mà Vanitas trở nên như vậy.
Trái ngược với nội
tâm phức tạp của Vanitas lại là sự đơn giản, thẳng thừng của Nóe. Không thích
nói không thích, ghét nói ghét, muốn đi theo thì đi theo, Nóe đơn giản như vậy
đấy. Dù thế, không có nghĩa là Nóe không có khổ tâm riêng của bản thân. Bi kịch
xảy ra trong quá khứ khiến Nóe bị ám ảnh và muốn tìm được quyển sổ của Vanitas.
Không chí có tính
cách trái ngược, mà quá khứ của Vanitas và Nóe cũng hoàn toàn đối lập nhau, dù
cả hai đều có điểm chung là được nuôi dạy bởi cả con người và ma cà rồng.
Vanitas sống trong những điều tệ hại nhất mà con người và ma cà rồng có thể
làm: bị con người thí nghiệm, bị ma cà rồng bắt đi. Nóe lại sống trong sự yêu
thương của cả hai: được hai ông bà con người chăm sóc, được thầy và những người
bạn ma cà rồng yêu quý. Quá khứ trái ngược càng khiến họ muốn tìm hiểu nhau
hơn, nhất là Nóe.
Nãy giờ mình gần như toàn nói về hai chàng trai chính của truyện mà chẳng nói về một bóng hồng nào, dù Hồi kí Vanitas có hai nữ chính xinh đẹp và mạnh mẽ là Jeanne và Dominique. Nếu có một điều tớ đang tiếc về Hồi kí Vanitas, thì chính là hai nhân vật nữ đang quá mờ nhạt so với các chàng. Jeanne dù có một màn trình diễn ấn tượng ngay lần đầu ra mắt trong bộ truyện, với sức mạnh kinh khủng cùng với găng sắt ngầu không tả, thì ngay những chap sau đó, cô gần như bị tụt xuống còn thành “love interest” cho Vanitas và để cho Vanitas tiêu khiển. Dominique hiện tại vì đất diễn còn quá ít nên vẫn chưa thể hiện được gì ngoài tình cảm của cô với Nóe. Chí ít thì hiện tại, chúng ta cũng biết được là họ sẽ có vai trò quan trọng trong cốt truyện, khi Jeanne cũng là một “kẻ bị nguyền rủa” và Dominique là cháu họ của thầy Nóe, và quan trọng nhất là họ đều không ngại chiến đấu. Cảnh Dominique xé chân váy, cầm gươm để chống lại kẻ bị nguyền rủa có lẽ đã khiến biết bao con dân điêu đứng.
Về Hình ảnh
Kiến thức từ chuyến
đi tham quan Pháp của Jun đã trở thành vũ khí đắc lực trong việc vẽ nên những
background tráng lệ, khiến cho thành phố Paris của Hồi kí Vanitas không khác gì
Paris của đời thực, xứng với cái tên “Thành phố Hoa Lệ, Paris”. Một vài nơi như
Hầm mộ Khung cảnh Paris được thể hiện tráng lệ ở các trang đôi, chi tiết giống
90% so với đời thật. Những cảnh dạ hội, diễu hành Charlatan, hầm mộ, được vẽ
chi tiết. Để thể hiện những thời điểm quan trọng, chuyển biến trong mối quan hệ
nhân vật, Jun luôn vẽ toàn trang. Song vì là xuất bản trên tạp chí hằng tháng,
deadline cận kề nên nhiều khung trắng background là không tránh khỏi.
Jun vẫn tiếp tục
thể hiện sự ma mãnh của mình trong việc đem hình ảnh ẩn dụ vào bìa truyện, lợi
dụng các đồ vật trong kiểu tranh vẽ u ám “Vanitas” để dự báo số phận và tương
lai không mấy tốt đẹp. Ví dụ như bìa tập 1 là Vanitas, gắn với hình ảnh đầu lâu
ở phía trên.
Kết
Jun đã biến một cốt
truyện phổ biến thành đặc biệt với dàn nhân vật có nội tâm và quá khứ sâu sắc,
cũng như quan niệm đối lập của họ về “sự cứu rỗi”. Nếu tim đã chảy máu một lần
vì Pandora Hearts, thì tớ tin Vanitas no Carte lần này sẽ làm mọi người muốn vứt
luôn cái tim đi cho đỡ xót xa khi thấy nhân vật mình yêu quý phải quằn quại dưới
bàn tay Nữ Thần Sadist.
Nguồn: [Manga
Review] Vanitas no Carte – Hình dạng của sự cứu rỗi - https://torianimereview.wordpress.com/2017/10/23/manga-review-vanitas-no-carte-hinh-dang-cua-su-cuu-roi/#more-3586
0 Nhận xét